Tổng quan về Suy thận
Thận là cơ quan nằm sau lưng dưới cùng của khung xương sườn, nằm hai bên cột sống, có chức năng bài tiết các chất dư thừa từ sự chuyển hóa của cơ thể, bảo tồn hay loại thải các tạp chất khác ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Ngoài ra, thận còn điều chỉnh nồng độ pH, muối và kali trong cơ thể, tạo ra các hormone điều chỉnh huyết áp và kiểm soát việc sản xuất các tế bào hồng cầu.
Thận cũng chịu trách nhiệm kích hoạt một dạng vitamin D giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi để xây dựng xương và điều chỉnh chức năng cơ.
Khi thận bị sỏi, quá trình nhiễm trùng, ứ nước lâu ngày sẽ huỷ hoại dần dần chủ mô thận. Cả hai quả thận có khoảng chừng một triệu đơn vị vi thận. Trong suốt quá trình thận hoạt động, luôn luôn có một số đơn vị thận chết đi qua thời gian mà không bao giờ có hiện tượng tái sinh cả. Nếu vắng khoảng 50 % số đơn vị thận, người ta vẫn có thể sống một cách bình thường. Nhưng nếu vắng đến 25 %, tình trạng suy thận sẽ xuất hiện. Lúc đó, người bệnh sẽ phải cần đến các biện pháp rất tốn kém để duy trì sinh mạng như chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với bệnh nhân suy thận
Dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh hết sức quan trọng, đặc biệt với bệnh nhân suy thận. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học, giúp duy trì sức khỏe của thận, hoạt động thải lọc của thận được điều hòa, hỗ trợ sản xuất ra các hormon khác cho cơ thể hoạt động tốt. Từ đó, làm chậm sự tiến triển của bệnh thận, kéo dài thời gian không phải chạy thận nhân tạo.
Khi thận của bạn hoạt động không tốt như bình thường, chất thải sẽ tích tụ trong cơ thể bạn. Theo thời gian, chất thải và chất lỏng dư thừa có thể gây ra các vấn đề về tim, xương và sức khỏe khác.
Xây dựng chế độ ăn cho người bệnh suy thận cần khoa học, tuân thủ theo khuyến cáo của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Chế độ ăn cho người suy thận nghiêm ngặt tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nắm vững những nguyên tắc cơ bản sau: cung cấp đầy đủ năng lượng nhưng cần giảm lượng protein, giảm chất béo còn khoảng 20% năng lượng; giảm muối, giảm phốt pho; tăng canxi; ăn uống đủ các nhóm chất vitamin B, vitamin E và uống đủ nước.
Chế độ ăn uống đóng vai trò như thế nào đối với bệnh nhân suy thận mạn?
Các bệnh nhân suy thận mãn tính phần lớn là do mắc các bệnh lý mãn tính gây biến chứng như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, gout, đái tháo đường, viêm cầu thận, sỏi thận, u tiền liệt tuyến, hội chứng thận hư,…
Ở bệnh nhân suy thận mạn, chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình việc điều trị và kiểm soát bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân chưa phải lọc máu chạy thận. Một chế độ ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể mang lại những lợi ích sau:
- Bảo tồn chức năng của thận
- Thời gian vào chạy thận được kéo dài
- Hạn chế những biến chứng có thể xảy ra của bệnh thận mạn
- Làm chậm tiến triển của bệnh đến suy thận mạn giai đoạn cuối
- Cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh
- Tình trạng suy dinh dưỡng được phòng ngừa và điều trị
- Điều chỉnh sự rối loạn chuyển hóa
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người suy thận mạn không lọc máu
- Protein (chất đạm): sử dụng khoảng 0,6-0,8g/kg/ngày. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh, áp dụng nhu cầu protein trong khẩu phần sẽ có sự khác nhau. Nên ưu tiên các loại đạm có giá trị sinh học cao như cá, trứng, thịt nạc, sữa. Giảm đạm trong khẩu phần ăn giúp làm chậm tiến triển của bệnh đến suy thận mạn giai đoạn cuối
- Năng lượng: nhu cầu về năng lượng khoảng từ 35-40 kcal/kg/ngày
- Chất béo: ít hơn 30% tổng năng lượng khẩu phần
- Phốt pho: mỗi ngày nên bổ sung từ 300-600 mg
- Canxi: mỗi ngày nên bổ sung từ 900-1200 mg
- Natri: khoảng từ 1000-2000 mg/ ngày tùy thuộc vào mức độ phù và huyết áp
- Sắt: khi bệnh nhân thực hiện chế độ ăn chay hoặc chế độ ăn giảm đạm, cần phải bổ sung thêm sắt
- Kali: bổ sung khoảng từ 2000-3000 mg/ ngày; khi có tăng kali trong máu, phù hay tiểu ít thì hạn chế dưới 1000 mg. Trong bữa ăn, không nên uống quá nhiều nước canh vì có chứa nhiều kali
- Vitamin: nên bổ sung các vitamin tan trong nước như vitamin B, vitamin C, nếu bệnh nhân có những biểu hiện của loạn dưỡng xương hoặc cường phó giáp thì có thể bổ sung thêm vitamin tan trong chất béo, chẳng hạn như vitamin D3
- Muối: Nên hạn chế muối trong chế biến các món ăn
- Nước: Cân bằng lượng nước vào và lượng nước ra
Bệnh nhân bị thận mạn trước chạy thận nên và không nên ăn gì?
Người bệnh không nên:
– Ăn những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: cá khô, cá muối, thịt muối, cà muối, da muối, giò, chả, patê, xúc xích, thịt hộp, cá hộp..Nếu muốn ăn các thực phẩm kể trên, cần kiểm tra lượng muối có trong thực phẩm và được tính toán cụ thể.
– Ăn nhiều các thực phẩm nguồn gốc thực vật có nhiều đạm như đậu đỗ vừng, lạc, giá đỗ, rau ngót, rau muống, rau dền.
– Thêm muối (Nước mắm, gia vị, mì chính, muối..) vào khi chế biến và nấu món ăn.
– Uống các loại lá, rễ cây, thuốc gây quá tải cho thận.
Người bệnh nên:
– Đưa nước vào cơ thể hạn chế theo mức độ đào thải của thận, lượng nước đưa vào cơ thể: thông thường bằng lượng nước tiểu ngày hôm trước + 500 ml nước
– Ăn nhạt: Khi có phù hoặc cao huyết áp, lượng muối hàng ngày thay đổi tùy theo tình trạng bệnh. Chỉ nên ăn tối đa 3g/ngày tương đương với 15 ml nước mắm (trong trường hợp không theo thực đơn cụ thể)
– Nên chọn các ngũ cốc có lượng đạm thấp như miến, khoai củ, bột sắn. Nên ăn gạo, mì tối đa 200g/ngày từ theo mức độ suy thận. Khi suy thận càng nặng thì lượng gạo, mì càng ít hơn
– Nên chọn các loại rau có hàm lượng đạm thấp dưa chuột, bầu, bí, rau cải…
– Nên ăn có mức độ các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật tùy theo mức độ suy thận.
Bệnh nhân suy thận mạn không lọc máu cần xây dựng thực đơn ăn uống hợp lý để có thể giúp duy trì và bảo tồn chức năng của thận, đồng thời làm chậm tiến triển của bệnh và kéo dài thời gian phải điều trị lọc máu.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân suy thận mạn, bởi duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh ổn định sức khỏe cũng như bảo vệ được chức năng của thận hoạt động tốt hơn.