Bệnh thận đa nang (Polycystic kidney disease – PKD) là một rối loạn di truyền đặc trưng bởi sự hình thành nhiều nang chứa đầy dịch gọi là u nang bên trong thận. Các nang này phát triển theo thời gian, gây ảnh hưởng đến chức năng thận và có thể dẫn đến tình trạng suy thận nếu không được kiểm soát kịp thời.
1. Nguyên Nhân Bệnh Thận Đa Nang

Nguyên nhân chính gây ra bệnh là do đột biến gen di truyền. Có hai dạng phổ biến của bệnh:
- Bệnh thận đa nang trội trên nhiễm sắc thể thường (ADPKD): Dạng phổ biến hơn. Các dấu hiệu và triệu chứng của ADPKD thường phát triển ở độ tuổi từ 30 đến 40. Nếu bố/ mẹ mắc ADPKD, mỗi đứa trẻ có 50% nguy cơ mắc bệnh.
- Bệnh thận đa nang lặn trên nhiễm sắc thể thường (ARPKD): Ít gặp hơn, các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi sinh. Đôi khi, các triệu chứng lại xuất hiện khi còn nhỏ hoặc niên thiếu. Cả bố và mẹ đều có gen bất thường mới có thể di truyền chứng rối loạn này, khi ấy mỗi đứa trẻ có khả năng mắc bệnh là 25%
2. Các Biến Chứng Của Thận Đa Nang?

Bệnh thận đa nang có thể dẫn đến suy thận
Thận đa nang có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời, bao gồm:
- Huyết áp cao.
- Suy thận.
- Phình động mạch não.
- Các vấn đề về van tim.
- U nang gan.
- Viêm túi thừa (túi hoặc túi ở thành ruột già).
- Tiền sản giật ở phụ nữ mang thai.
3. Cách Phòng Ngừa Thận Đa Nang

Hạn chế ăn mặn, đặc biệt giảm muối trong khẩu phần ăn để tránh thận hoạt động quá tải
Mặc dù yếu tố di truyền là nguyên nhân chính gây nên thận đa nang và không thể phòng tránh hoàn toàn, nhưng chúng ta vẫn có thể kiểm soát sự tiến triển và hạn chế biến chứng bằng các biện pháp sau:
3.1 Kiểm soát huyết áp
Nếu bạn đang mắc bệnh huyết áp hãy sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Việc giữ huyết áp ổn định góp phần giảm áp lực lên thận và ngăn ngừa tổn thương thêm.
3.2 Chế độ ăn uống lành mạnh
- Giảm muối trong chế độ ăn để tránh tăng huyết áp.
- Bổ sung thêm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
3.3 Duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh huyết áp và tiểu đường (cả hai đều là nhân tố khiến tình trạng bệnh thận trở nên tệ hơn). Nên thiết lập tần suất tập luyện thể thao 30′ mỗi ngày để duy trì sức khỏe, cải thiện tình trạng thừa cân.
3.4 Uống đủ nước
Uống đủ nước giúp thận hoạt động tốt hơn và giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
3.5 Hạn chế rượu bia và thuốc lá
Rượu bia và thuốc lá có thể làm tổn thương thận và tăng thêm nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh thận đa nang.
3.6 Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh thận đa nang, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/ lần để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp kiểm soát kịp thời.
Kết Luận
Thận đa nang là một bệnh lý nghiêm trọng, việc hiểu rõ nguyên nhân của bệnh , mức độ nguy hiểm và cách phòng ngừa sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe thận và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình và những người thân xung quanh.